BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ “HỌC SINH CÁ BIỆT”

Lượt xem:

Đọc bài viết

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ “HỌC SINH CÁ BIỆT”
1. Lý do
Trong những năm đầu công tác, tôi gặp khá nhiều khó khăn khi chủ nhiệm lớp, đặc biệt là việc tìm ra những giải pháp giáo dục học sinh cá biệt. Năm 2015, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 7 – đây là lớp được đánh giá chăm ngoan, học giỏi. Nhưng đến giữa học kì 1, lại nổi lên một số học sinh cá biệt, đặc biệt có 01 học sinh nữ vốn hiền lành, ngoan ngoãn, học lực tốt lại trở thành học sinh hay bỏ giờ, nghỉ học không lí do, thậm chí lại gây gỗ với các bạn trong lớp. Từ một em học sinh tiêu biểu lại trở thành một học sinh cá biệt của lớp (theo cách đánh giá của đồng nghiệp trường tôi). Vậy là, suốt học kì 1, tôi loay quay tìm hướng giải quyết nhưng vẫn không tìm được câu trả lời. Thế nhưng, trong giờ viết môn Ngữ văn do tôi phụ trách, tôi có ra một đề văn biểu cảm như sau: “Cảm nghĩ về người thân trong gia đình của em”. Có một bài viết của một học sinh mà khi đọc và chấm bài văn của em tôi đã phải suy nghĩ và trăn trở rất nhiều, bởi bài văn là những tâm sự, cảm xúc rất thật của em. Thật trùng hợp, đó là em “học sinh cá biệt” mà tôi đã nói ở trên. Sau đây, tôi xin trích lại một đoạn văn trong bài viết của em:
“Em là con út trong một gia đình có bốn anh chị em. Em có một người bố suốt ngày chỉ biết đi làm vài việc không đâu rồi lại về quát tháo khi không vừa lòng. Hơn nữa, bố còn có thái độ “trọng nam khinh nữ” mà em là nữ nên bất cứ cái gì em cũng phải hứng chịu. Cứ hễ em làm gì không vừa ý bố là bố lại nổi cơn giận dữ đuổi em ra khỏi nhà. Vậy mà anh trai của em luôn được bố nuông chiều. Học hết lớp 7 anh đã bỏ học, anh mới 16 tuổi bố đã cho ngồi tiếp rượu với bố mỗi khi nhà có khách. Bố còn cho anh đi xe máy, bị công an huyện bắt giữ, bố xuống nộp phạt và nhận xe về, vậy mà bố chẳng khuyên răn anh lấy một câu. Mẹ em có góp ý bố lại nói: “Con trai nó phải thế, nó không ăn cắp và nghiện hút là tốt rồi!”. Bố thường nói: “Mày là con gái học nhiều cũng chẳng để làm gì, mày học để biết kí cái tên là được rồi, vài năm nữa tao gả chồng cho mày, mày lại làm dâu nhà người ta, tao chẳng nhờ được gì ở mấy đứa con gái chúng mày”. Em đã nhiều lần nhẫn nhịn nhưng bố vẫn không thôi. Cách đây gần một tháng em bị đau phải xin nghỉ vài bữa. Mấy hôm ở nhà bố liên tục mắng em, mà bản thân em cũng không biết bố mắng em vì lí do gì. Cũng như mọi lần em vẫn nhịn không cãi lại. Nhưng đến trưa em bị đau bụng nên em không muốn ăn cơm, thế là bố cho rằng em không phục bố. Lập tức bố quăng túi quần áo của em ra sân và đuổi em đi, mặc dù em đang bị đau. Khi đến trường em rất buồn chán. Mẹ em đã khóc rất nhiều, phần vì bị bố mắng là “không biết dạy con”, phần vì lo cho em. Em rất thương mẹ nhưng không biết làm sao bây giờ? Em sẽ không bao giờ trở về ngôi nhà ấy nữa. Em sẽ bỏ học để tự kiếm sống. Em muốn được quậy phá như anh trai em. Em cảm thấy chán cuộc sống này vô cùng bởi nó thật vô vị…”
Thế đấy, hóa ra câu chuyện vì sao em được gọi là “học sinh cá biệt” lại liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong gia đình. Từ đó, tôi thiết nghĩ liệu bản thân mình đã tìm hiểu kĩ hay chưa về cái gọi là “học sinh cá biệt ấy”? Nguyên nhân nào? Biểu hiện ra sao? Cần làm gì cho phù hợp? Những câu hỏi ấy cứ đan xen khiến tôi quyết định hành động, tìm hiểu và đưa ra những giải pháp về cách giáo dục học sinh cá biệt.
2. Cơ sở lí luận
Giáo viên là những người thầy được đào tạo về kiến thức, về nghiệp vụ chuyên môn nhằm giáo dục học sinh phát triển toàn diện, trở thành công dân tốt cho xã hội. Bên cạnh đó, ngoài công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm còn là một công tác mà bất kì người giáo viên nào có tâm huyết cũng không thể xem nhẹ được. Tuy nhiên công tác chủ nhiệm trong nhà trường hiện nay gặp phải không ít khó khăn trong việc quản lý, giáo dục học sinh sa sút về đạo đức, thiếu ý thức trong việc học tập, đặc biệt là những học sinh cá biệt.
Giáo viên chủ nhiệm có một vị trí vô cùng quan trọng trong việc hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng sống cơ bản để học sinh tiếp tục học các bậc học cao hơn. Giáo viên chủ nhiệm trước hết phải là nhà giáo dục có năng lực phát triển ở học sinh về cảm xúc, thái độ hành vi bảo đảm người học làm chủ được và biết ứng dụng hợp lý những điều học được vào cuộc sống bản thân, gia đình, cộng đồng.
3. Tình hình học sinh cá biệt ở trường THCS
a. Khái niệm học sinh cá biệt
Khái niệm học sinh cá biệt có thể được các đồng chí hiểu theo nhiều cách khác nhau nhưng trong quá trình tìm hiểu về đối tượng học sinh trong công tác chủ nhiệm tại trường thì tôi có một khái niệm về học sinh cá biệt như sau: học sinh cá biệt là những em học sinh chưa ngoan thường gây gổ đánh nhau, mất trật tự trong giờ học, không làm bài và học bài về nhà, trốn học bỏ giờ, đi muộn, nghỉ học tự do, la cà quán xá, không chấp hành nội qui của trường, lớp, hay quậy phá nô nghịch không cho các bạn học và thầy cô giảng bài…. Những học sinh này thường dễ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu dẫn đến tình trạng bỏ học nửa chừng và có nguy cơ phạm tội cao. Trở thành nỗi day dứt của nhà trường, xã hội, nỗi đau khổ, bất hạnh của phụ huynh.
b. Thực trạng
Qua theo dõi trong những năm gần đây, chúng ta có thể thấy hiện tượng học sinh cá biệt có phần gia tăng và ở nhiều cấp độ khác nhau. Nó đã để lại hậu quả như một “di căn” tác động trực tiếp đến học sinh đang học trong nhà trường.
– Học sinh cá biệt tăng theo cấp lớp: Có những em ở lớp 6, 7 chưa bộc phát, nhưng đến lớp 8, 9 học sinh có biểu hiện những thái độ thiếu nghiêm túc trong học tập, sinh hoạt nếu không kịp thời giáo dục sẽ sớm trở thành học sinh cá biệt.
– Học sinh cá biệt tăng theo xu thế phát triển của xã hội theo “cơ chế thị trường” ở khía cạnh tiêu cực.
c. Phân loại
Tôi nhận thấy học sinh cá biệt ở trường THCS có thể tạm chia làm 4 nhóm:
Nhóm 1: Gây gổ đánh nhau, kết bè thành băng nhóm.
Nhóm 2: Bỏ giờ trốn học dẫn đến học tập sa sút hơn.
Nhóm 3: Quậy phá, thiếu nghiêm túc trong học tập.
Nhóm 4: Ươn ngạnh, học đòi, không nghe lời thầy cô giáo, ý thức tổ chức kỷ luật kém.
Ở tất cả các nhóm học sinh cá biệt trên đều ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và năng lực học tập của học sinh.
Dù ở nhóm học sinh cá biệt nào nếu chúng ta không kịp thời uốn nắn, giáo dục các em thì dễ dẫn đến các em từ những vi phạm nhỏ đến việc làm không có ý thức khác, rồi bỏ học và có nguy cơ trở thành tội phạm. Chính vì thế, tự phân loại thành các nhóm học sinh cá biệt, tôi tiến hành đề ra những biện pháp và có được kết quả đáng khả quan.
4. Biện pháp
Là một giáo viên đã làm công tác chủ nhiệm và giáo dục học sinh cá biệt, tôi xin đưa ra một số biện pháp sau đây mà tôi đã áp dụng ở trường:
Thứ nhất: Không nên có cái nhìn kì thị, thái độ khó chịu, ghét bỏ, coi thường, mắng nhiếc học sinh cá biệt trước lớp. Không nên nhìn các em với ánh mắt dò xét chỉ để thấy lỗi, thấy những mặt xấu của các em. Không nên gọi các em là học sinh cá biệt nhiều lần, đặc biệt là trước lớp, trước mặt người khác, đừng tách các em ra khỏi lớp, cô lập các em trước lớp. Các em chỉ là những học sinh chưa ngoan cần được giáo dục.
Thứ hai: Cần có sự quan tâm gần gũi, tìm hiểu học sinh cá biệt, đa số các em học sinh cá biệt rất cần một điểm tựa tinh thần tin cậy để có thể bộc bạch, sẻ chia, tâm sự những khó khăn, những nỗi niềm riêng tư thầm kín. Thầy cô sẽ trở thành người bạn lớn của các em. Người giáo viên chủ nhiệm nên biết lắng nghe những tâm sự của các em và cũng nên giữ kín những tâm sự đó để các em tin tưởng mà bộc bạch. Hãy nhìn các em với ánh mắt bao dung, cảm thông, thấu hiểu.
Thứ ba: Thầy cô hãy nhẹ nhàng phân tích những ưu khuyết điểm, những đúng, sai trong nhận thức và hành động của các em, hãy giúp các em nhận ra lỗi lầm của mình và tạo cho các em cơ hội, thiện chí sửa chữa. Không nên la mắng các em, đừng biến lớp học thành địa ngục, đừng để giờ sinh hoạt thành một giờ “tổng sỉ vả” học sinh cá biệt và đừng để học sinh nghĩ cứ gặp thầy cô là bị la mắng, trách phạt, truy tội. Khi cần có thể gặp riêng các em để nhắc nhở, trao đổi. Vận dụng linh hoạt theo phương châm “lạt mềm buộc chặt”.
Thứ tư: Thầy cô hãy nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực đừng nghiêm trọng hóa vấn đề. Hãy tin tưởng sự chuyển biến của các em, trân trọng những tiến bộ của các em dù là nhỏ nhất vì đó là cả một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các em. Mạnh dạn biểu dương các em trước tập thể lớp, đừng tiết kiệm lời khen đối với các em vì một lời động viên, khen ngợi còn có giá trị hơn rất nhiều những bản kiểm điểm.
Thứ năm: Hãy tôn trọng quyền lựa chọn, quyết định của các em trong phạm vi cho phép. Cùng nhau xây dựng nội quy của lớp, các em sẽ tự giác thực hiện vì nội quy đó do chính các em đưa ra. Không nên áp đặt thô bạo với các em, không xúc phạm làm tổn thương danh dự các em trước tập thể, thận trọng khi phát ngôn vì học sinh cá biệt rất nhạy cảm.
Thứ sáu: Thầy cô hãy cố gắng điềm tĩnh, biết tự kiềm chế vì học sinh cá biệt là một sự “thử thách” rất lớn đối với đức tính điềm tĩnh, tự kìm chế của mỗi giáo viên. Không nên nóng vội, không nên quá khắt khe, xử lí mạnh tay bằng những hình thức kỉ luật nặng nề, không nên thành kiến với các em, đừng nhắc đi nhắc lại nhiều lần lỗi vi phạm của các em sẽ dễ dẫn đến sự chai lì.
5. Kết luận
Trong quá trình giảng dạy ở trường, bản thân tôi không chỉ cố gắng nâng cao về trình độ chuyên môn mà còn đặc biệt chú ý đến công tác giáo dục về đạo đức, nhân cách cho học sinh, trong đó có công tác giáo dục học sinh cá biệt. Đã có nhiều em học sinh cá biệt chưa ngoan nhưng qua các giải pháp mà tôi áp dụng trong công tác chủ nhiệm của mình các em đã thực sự trưởng thành, tự tin, chu đáo và có ý thức tốt trong cuộc sống.
Giáo dục là khoa học nhưng cũng là nghệ thuật. Quả là “khi ta trao yêu thương thì ta sẽ nhận lại yêu thương”. Công việc của người giáo viên chủ nhiệm quả thực không dễ, đòi hỏi mỗi thầy cô phải linh hoạt, sáng tạo trong từng trường hợp, từng thời điểm… Có lúc ta là thầy cô, là cha mẹ mẫu mực; có lúc lại giống như một vị thẩm phán thông minh; song cũng có lúc lại như một người bạn thân tình… Nhưng dù các đồng chí là ai trong số những vai trò ấy thì tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông và tinh thần trách nhiệm sẽ mãi là chìa khóa vạn năng có thể giúp các đồng chí mở cánh cửa những tâm hồn thơ dại.
Trên đây là một vài giải pháp của tôi trong việc giáo dục học sinh cá biệt, xin được chia sẻ và mong nhận được sự góp ý chân thành của quý anh, chị, em đồng nghiệp!
Bình Trung, ngày 15 tháng 10 năm 2020
Người báo cáo

Nguyễn Thị Nhã Phương