EM YÊU MỸ THUẬT

Lượt xem:

Đọc bài viết

“Mỹ thuật là bộ môn đồng nghĩa với sự thư giãn, đây là môn học nghệ thuật nghiêng nhiều về đời sống tình cảm chiếm phần quan trọng trong giáo dục nhân cách, đạo đức. Nó giúp nuôi dưỡng tinh thần và là cầu nối cho việc học tốt hơn những bộ môn khác”.
Chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của những yếu tố nghệ thuật trong cả cuộc sống hàng ngày hay trong môi trường giáo dục. Nếu cuộc sống không có hội họa…thì sẽ chẳng còn vẻ đẹp của thẩm mĩ, tâm hồn, chúng ta không còn được thư giãn, bồi dưỡng. Còn trong quá trình dạy và học, học sinh không chỉ lĩnh hội những kiến thức khoa học mà còn phải phát triển năng lực sáng tạo của cá nhân, bồi đắp thị hiếu, năng lực cảm thụ thẩm mĩ. Kiến thức khoa học và kiến thức thẩm mĩ có mối quan hệ như hai mặt của một tờ giấy vậy, sẽ chẳng có tờ giấy nào tồn tại mà chỉ có một mặt, chẳng có ai thành công khi chỉ sở hữu kiến thức khoa học hay thẩm mĩ. Những kiến thức khoa học sẽ giúp các em có được nền tảng để cảm thụ được vẻ đẹp của những bộ môn nghệ thuật. Không có sự am hiểu về cuộc sống, về tự nhiên, về xã hội thì không thể lĩnh hội được hết thông điệp từ những giai điệu, không thể hiểu được ngụ ý của họa sĩ qua những bức vẽ…Ngược lại, những hoạt động nghệ thuật sẽ đưa đến cho học sinh tư duy sáng tạo thẩm mĩ để tăng khả năng tiếp thu những kiến thức khác. Ở các nước tiên tiến, họ đã đưa các bộ môn nghệ thuật vào nhà trường từ rất lâu, vừa là môn bắt buộc vừa là môn tự chọn để học sinh vừa được cung cấp những kiến thức nền tảng trong việc thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật, vừa được bồi dưỡng và phát triển những năng lực chuyên biệt hay nghề nghiệp mà mình định theo đuổi. Một nền giáo dục tiên tiến và thành công khi để học sinh được phát triển một cách toàn diện, đánh thức được tiềm năng của mỗi cá nhân.
Như vậy, bản thân mỗi học sinh cần tự chủ động định hướng con đường cho mình, cần song song phát triển cả kiến thức khoa học và bồi dưỡng tư duy thẩm mĩ. Hãy để cuộc đời là một vườn hoa rực sắc đa dạng, nơi đó có những loài hoa kiến thức đẹp nhất, hoàn thiện nhất và hương hoa thẩm mỹ ngát thơm nhất.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của giáo dục nghệ thuật chính là giáo dục sự nhận thức, tình yêu đối với những giá trị mang tính bản sắc của nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Từ đó, mỗi con người Việt Nam sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị đã khẳng định sự tồn tại của một dân tộc trong sự hội nhập giữa các nền văn hóa trên thế giới.
Để hình thành, phát triển hoạt động quan sát và nhận thức thẩm mĩ ở HS, trong tổ chức dạy học, giáo viên khuyến khích và tạo cơ hội để HS được quan sát, nhận thức về đối tượng thẩm mĩ từ bao quát, tổng thể đến chi tiết, bộ phận và đối chiếu, so sánh để tìm ra đặc điểm, vẻ đẹp và phát hiện các giá trị thẩm mĩ của đối tượng. Tùy theo nội dung, mục đích dạy học và tâm lí lứa tuổi, khả năng nhận thức của HS, giáo viên đặt ra yêu cầu quan sát một cách phù hợp, nhằm thúc đẩy, phát triển ở HS ý thức tìm tòi, khám phá cuộc sống, môi trường xung quanh và thưởng thức nghệ thuật. Quan sát, nhận thức thẩm mĩ cần được kết hợp, lồng ghép trong hoạt động thực hành sáng tạo, thảo luận, phân tích, đánh giá thẩm mĩ của tiến trình dạy học và liên hệ, ứng dụng thực tiễn.
Để hình thành, phát triển hoạt động sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ ở HS, trong tổ chức dạy học, giáo viên vận dụng các yếu tố kích thích khả năng thực hành, sáng tạo của HS bằng những cách thức khác nhau; khuyến khích HS thử nghiệm và đổi mới, kích thích tư duy, khả năng giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và liên hệ, ứng dụng thực tiễn. Đồng thời, cần có những hướng dẫn cụ thể để HS chủ động chuẩn bị, sẵn sàng học tập, sáng tạo nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, thúc đẩy sự hứng khởi ở HS.
Khi sử dụng các PP, kĩ thuật dạy học, giáo viên cần tích hợp, lồng ghép hoạt động thực hành, sáng tạo, ứng dụng thẩm mĩ với thảo luận, cũng như kết hợp quan sát, nhận thức và phân tích, đánh giá thẩm mĩ trong tiến trình dạy học. Đặc biệt cần lưu ý, không phải HS nào cũng có khả năng (năng khiếu) thể hiện sự khéo léo cần thiết cho sáng tạo, vì vậy, PPDH cần đánh thức trí tò mò của HS về văn hóa thị giác, giúp các em mạnh dạn, tự tin trong học tập, thực hành, trao đổi, nhận xét để khi trưởng thành, các em vẫn có khả năng tiếp nhận và quan tâm đến lĩnh vực mĩ thuật.
Là một giáo viên mỹ thuật phải nắm vững nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy học, cách thức hướng dẫn học sinh lựa chọn phương pháp học tập, coi trọng tự học và biết xây dựng các tài liệu chuyên môn phục vụ đổi mới phương pháp dạy học, bíêt cách tiếp nhận thông tin phản hồi từ sự đánh giá nhận xét của học sinh và phương pháp dạy học của mình, kiên trì phát huy mặt tốt, khắc phục mặt yếu, tự tin, không tự ti hay chủ quan thoả mãn, hướng dẫn học sinh về phương pháp học tập và biết cách tự học, tíêp nhận kiến thức và rèn luyện kỹ năng, tự đánh giá kết quả học tập để các em học mỹ thuật có hiệu quả và đạt được những lợi ích từ việc học mỹ thuật đem lại bản thân người giáo viên cần có sự đầu tư bài bản về chương trình và quan trọng là nội dung giảng dạy phù hợp với sự phát triển của từng lứa tuổi. Phương pháp học không những dựa trên nguyên tắc giáo dục mỹ thuật cơ bản mà còn khai thác tối đa yếu tố sáng tạo và sự phát triển cá nhân, các em được học từ những thứ đơn giản nhất, rồi nâng cao dần cấp độ theo khả năng, nhận thức của từng học sinh.
Trong thực tế giáo dục mỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng bởi vì giáo dục mỹ thuật không chỉ khuyến khích sự sáng tạo của học sinh mà còn bởi giáo dục mỹ thuật giúp phát triển đặc điểm và năng lực xã hội của học sinh, khuyến khích học sinh tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức qua việc xây dựng các phương pháp sư phạm và kế hoạch giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, học sinh không phải và theo cách sao chép đơn thuần mà được tự do phát triển năng khiếu, vẽ theo ý tưởng riêng, tư duy theo nhiều góc độ.
Ngày nay cái đẹp đã trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người, tất cả phục vụ cho con người đều cần đẹp về cả hình thể màu sắc và khi cuộc sóng ngày càng cao thì cái đẹp lại càng trở nên quan trọng, có thể nói nó đóng góp một phần đáng kể vào phát triển nền kinh tế quốc dân. Với mục tiêu là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, chức năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam
Nghệ thuật trong cuộc sống thời đại ngày nay và mãi mãi sau này không chỉ bao gồm những nhân tố vật chất mà còn chứa đụng những giá trị tinh thần ngày càng phong phú hơn, ngày càng tốt đẹp hơn.

Người viết

Bùi Thị Nhật My